(Những bộ phim chiến tranh thế giới lần thứ 2 hay nhất mọi thời đại) - Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã đi qua và nó đã trở thành một kho tư liệu khổng lồ cho các nhà làm phim ảnh. Đã có hàng trăm tác phẩm điện ảnh nói về cuộc chiến này, tái hiện lại những hình ảnh đẫm máu, tàn khốc, ác liệt nhất trong chiến tranh.
10 Bộ phim chiến tranh thế chiến thứ II hay nhất mọi thời đại - P2
10 Bộ phim chiến tranh thế chiến thứ II hay nhất mọi thời đại - P2
Dưới đây là 10 tác phẩm điện ảnh về thế chiến thứ hai được đánh giá là hay nhất mọi thời đại.
1. Giải phóng
Giải phóng – phim sử thi đồ sộ của Mosfilm – điện ảnh Xô viết với sự hợp tác của điện ảnh Ý, Ba Lan, CHDC Đức, Nam Tư sản xuất năm 1968 – 1971 là bộ phim rất đáng xem.
Năm phần của bộ phim lịch sử “Giải phóng” đã phản ánh những sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến tranh Thế giới II trên mặt trận Liên Xô và Đức. Đó là trận đánh trên vòng cung Kursk – cuộc giáp chiến bằng xe tăng lớn nhất trong lịch sử, các chiến dịch tấn công trong giai đoạn 1944 – 1945 và cuộc tổng tiến công thắng lợi vào Berlin. Các tác giả của bộ phim sử thi đồ sộ này hình dung rất cặn kẽ về những gì mà họ muốn kể với khán giả. Chính bản thân họ đã đi qua suốt cuộc chiến tranh từ đầu đến cuối, nên họ biết rõ cái giá của chiến tranh. Tác giả kịch bản và họa sĩ đã chiến đấu trong binh chủng bộ binh, còn người quay phim – trong binh chủng xe tăng, còn đạo diễn – nhà làm phim chiến trận nổi tiếng của Liên Xô Yuri Ozerov – cũng là một chiến sĩ pháo binh. Vào một thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh, ông đã tự nhủ rằng, nếu được sống sót thì nhất định ông sẽ kể lại mọi chuyện đã xảy ra như thế nào.
Yuri Ozerov đã xây dựng bộ phim truyện xác thực một cách đáng kinh ngạc. Tham gia đóng bộ phim này là những người lính thực sự, những chiến sĩ lái máy bay lừng danh, toàn bộ kĩ thuật quân sự và khí tài hoàn toàn phù hợp với trang bị của Hồng quân Liên Xô trong thập kỷ 40. Kết cục của bộ phim – cuộc tấn công tòa nhà Quốc hội Đức đã được quay ở ngoại ô Berlin, tại những di tích hoang tàn của cuộc chiến tranh mà tại thời điểm đó người ta còn bảo tồn được. Tuy nhiên, giá trị chủ yếu của bộ phim này không chỉ nằm trong tính xác thực của nó : “Trong vòng 30 năm trở lại đây (1971), lịch sử phim ảnh thế giới chưa làm được bộ phim nào phân tích một cách nghiêm túc các sự kiện trong chiến tranh thế giới II như vậy !” – nhà phê bình điện ảnh Nga Daniil Dondurey nói. Bộ phim này hấp dẫn ở tầm nhìn về chiến tranh. Nó đồ sộ trong bất cứ chiều đo nào : đó là dung lượng của khuôn hình, là số lượng nhân vật, là tính chất đa tầng lớp của câu chuyện. Từ câu chuyện của binh lính và sĩ quan, đến các vị tướng soái, Stalin và Hitler… Đó là những ưu điểm của bộ phim. Nó lôi cuốn và khiến người ta say mê, bởi đã kể về một chiến thắng vĩ đại trong một cuộc chiến tranh vĩ đại.
- Tập 1: Vòng cung lửa. Đúng như tên gọi tập phim này nói về trận đấu tăng và pháo vĩ đại nhất đến Nhật Nguyệt cũng mờ ở cánh đồng Kursk trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
- Tập 2: Đột phá. Nói lên những sự kiện tiếp nối của tập 1. Sau trận chiến bi hùng ở Kursk cán cân lực lượng ở Châu Âu, liên quân Anh – Mỹ vội vàng đổ bộ lên Sicily. Hitle và nước Đức phát xít đang phải chống đỡ những cuộc phản công vô cùng mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Đông nên đã không còn đủ sức từ con người đến khí tài quân sự để giúp đỡ cho nước Ý (phát xít ) mà cầm đầu là Duce – Mussolini. Trong tập phim có rất nhiều những trận đánh ác liệt của Hồng Quân Liên Xô và quân Phát xít Đức ở các mặt trận, trong đó có cả những yếu tố chiến thuật.
- Tập 3: Hướng chủ công. Tập phim nổi bật về nghệ thuật quân sự, cách bày binh bố trận, cách đàm phán, thương thuyết. Qua tập phim ta có thể thấy rõ các yếu tố Bí Mật – Bất Ngờ và “Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng”. Tập phim nói về nghệ thuật chiến tranh – sự thông minh sáng tạo của các vị tướng lãnh đạo Hồng Quân Liên Xô trong việc đưa ra chiến thuật chính xác, cách bày binh bố trận, mềm dẻo nhưng rất cương quyết trong đàm phán….Nhưng cũng ko thể ko nói đến những sáng kiến trong thực tế của các chiến sỹ Xô Viết. Trong phim cũng cho ta thấy sự lúng túng rối ren của tập đoàn phát xít Đức mà đứng đầu là Hitle, một âm mưu đảo chính quân sự của các tướng lĩnh bằng cách ám sát Hitle đã không thành.
- Tập 4: Trận đánh giành Berlin. Những cuộc tấn công mạnh mẽ quy mô lớn của Hồng quân Liên xô để chiếm Berlin thủ phủ của nước Đức quốc xã. Những trận chiến ác liệt trên từng góc nhà hẻm phố.
- Tập 5: Trận công kích cuối cùng. Những đòn đánh mạnh mẽ của Hồng quân Liên xô vào những cứ điểm quan trọng cuối cùng của nước Đức quốc xã. Hitle không thể làm chủ được chính bản thân mình, tự sát còn không nổi nữa. Phát xít Đức sụp đổ hoàn toàn, Hồng quân Liên xô giành thắng lợi vang dội, hoàn thành sứ mạng lịch sử đập tan chủ nghĩa Phát xít.
2. Hồ sơ thần chết (Archiv des Todes)
Hồ sơ thần chết (tiếng Đức :Archiv des Todes) là bộ phim truyền hình rất nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức và Ba Lan hợp tác, sản xuất năm 1979, công chiếu năm 1980. Bộ phim đã được chiếu trên truyền hình nhiều lần tại Việt Nam.
Vào cuối năm 1944, năm chiến sĩ thuộc lực lượng kháng chiến cố gắng xâm nhập vào lãnh thổ đang bị chiếm đóng của Ba Lan. Chỉ huy của nhóm là George(diễn viên Jurgen Tsartman) - Đảng viên Cộng sản Đức, và đại úy trinh sát Liên Xô Boris (diễn viên Gojko Mitic). Những thành viên khác bao gồm Đại úy Ernst (Gerd Blahushek), vốn từ bỏ quân đội Đức chạy sang với Hồng quân , Hainer (Krzysztof Stroinski) - thành viên cũ của Đoàn Thanh niên Hitler, và Janek - du kích Ba Lan (Leon Nemchik).
Họ được Đại tá tình báo quân sự Liên Xô giao nhiệm vụ phải tìm "Hồ sơ thần chết", có lẽ nằm ở một trong những mỏ gần Krakow. Hồ sơ này có chứa một số tài liệu tình báo rất quan trọng, và bao gồm kế hoạch xây dựng một mạng lưới ngầm của Đức Quốc xã trong thời kỳ sau chiến tranh. Máy bay của họ trúng xạ kích và rơi xuống. George bị thương nặng và mất liên lạc với cả nhóm... Có vẻ như nhiệm vụ đã thất bại.
Cảnh sát Đức truy lùng họ, và Đại tá SS Hauke không do dự sử dụng phương tiện cực kỳ tàn nhẫn để che giấu bí mật về hồ sơ,và các dữ liệu lưu trữ trong những giây phút cuối cùng trước khi Krakow được Hồng quân giải phóng. Điện báo viên Renata Wiesner (Renata Bloom) cung cấp cho các chiến sĩ những tin tức cực kỳ quan trọng…
Nhiều tình tiết hấp dẫn, ly kỳ và những hành động hết sức thông minh, dũng cảm và khôn khéo của các chiến sĩ đã khiến người xem ngạt thở. Bộ phim là một trong những hiện tượng nổi bật của thập niên 80.
3. Ngày tàn đồ tể (Der Untergang)
Bộ phim thuật lại những ngày cuối cùng của Adolf Hitler và bộ sậu tướng lĩnh trong một căn hầm chỉ huy tại Berlin (Đức), thông qua lời kể của một nhân chứng sống - người từng kề cận bên Hitler trong vai trò thư ký riêng. Cơn hấp hối của một chế độ độc tài đầy tội ác.
Tháng 11-1942, một nhóm phụ nữ trẻ được toán quân SS hộ tống xuyên qua những cánh rừng trong màn đêm u mịt để đến Wolf’s Lair - một cơ quan đầu não của phát xít Đức. Họ được đưa đến để tuyển chọn cho vị trí thư ký riêng của Hitler. Trong số đó có Traudl Junge (Alexandra Maria Lara) - một cô gái trẻ với khuôn mặt dễ mến đến từ Munich. Sau khi thử việc bởi chính “quốc trưởng”, Traudl đã được chọn. Kể từ đây cô bắt đầu bước vào ngã rẽ của cuộc đời khi tham gia và chứng kiến những giờ khắc lụi tàn của chủ nghĩa phát xít.
Tháng 4-1945, Hitler lui về cố thủ tại Berlin, trú ẩn trong một căn hầm chỉ huy. Tin tức về những phòng tuyến bị quân đồng minh phá vỡ, về những sĩ quan SS đầu hàng liên tục bay về khiến “quốc trưởng” suy sụp.
Bên cạnh Hitler, Traudl đã chứng kiến những điều tồi tệ: sự sa đọa, điên loạn của những kẻ mê muội, cuồng tín khi biết rằng mọi thứ đang sụp đổ; sự độc ác, tàn nhẫn của án tử dành cho “kẻ phản bội” buông súng bỏ chạy, kể cả thường dân; những cảnh tự sát đầy ô nhục, kéo theo cái chết của những đứa trẻ vô tội... Trong cơn vẫy vùng yếu ớt, Hitler và các tướng lĩnh vẫn cố bám víu vào những nước cờ cuối cùng, hi vọng vào một thắng lợi bất ngờ!
4. Kẻ thù trước cổng (Enemy at the gates)
Bộ phim tái hiện lại chiến công của xạ thủ huyền thoại Vasily Grigoryevich Zaytsev, anh hùng quân đội Xô Viết, trong trận đánh Stalingrad vào năm 1942.
Trong những năm đầu thập kỷ 30, Vasily Zaitsev còn là một đứa trẻ. Được sinh ra trong một gia đình thợ săn ở vùng núi Ural thuộc tỉnh Chelyabinsk, cậu được ông nội dạy cưỡi ngựa, bắn súng từ khi biết đi. Sau nhiều năm miệt mài luyện tập, cậu trở thành xạ thủ nổi tiếng khắp vùng.
Khi lớn lên, Zaitsev (Jude Law) gia nhập Hồng quân Xô Viết. Tháng 9 năm 1942, đơn vị của anh được lệnh tới Stalingrad - chốt chặn đường tiến quân xuống phía nam của phát xít Đức. Ở trên tàu, chàng lính trẻ quen một thiếu nữ tóc đen xinh đẹp tên là Tanya.
Đơn vị của Zaitsev bước vào trận đánh đầu tiên với một mệnh lệnh tối cao: không được lùi. Tất cả những binh lính bỏ trận địa sẽ bị chỉ huy xử tử tại chỗ vì tội phản quốc. Lực lượng Hồng quân được lệnh chiến đấu theo cặp, trong đó một người được phát tiểu liên, còn người kia chỉ cầm theo đạn. Nếu người cầm tiểu liên hy sinh, người cầm đạn sẽ lấy súng để tiếp tục chiến đấu. Zaitsev tái mặt khi chỉ được phát một hộp đạn 5 viên. Do không được trang bị đầy đủ như quân Đức nên thương vong của Hồng quân lớn hơn đối phương rất nhiều.
Zaitsev gặp chính trị viên Danilov (Joseph Fiennes) khi đơn vị của Danilov rơi vào ổ phục kích của quân Đức và hy sinh gần hết. Khi nhìn thấy 5 tên lính ở phía bên kia đường, Danilov nhường súng cho Zaitsev vì anh ít khi bắn súng. Chỉ với 5 viên đạn được phát, Zaitsev bắn hạ cả 5 tên phát xít. Tài bắn súng của Zaitsev khiến Danilov kinh ngạc.
Khi tổng tư lệnh Nikita Khrushchev tới Leningrad để chỉ huy việc bảo vệ thành phố, ông đã gặp mặt tất cả các chính trị viên. Nhờ có sự giới thiệu của Danilov nên đích thân Nikita Khrushchev ra lệnh cho Zaitsev vào lực lượng bắn tỉa của Hồng quân. Mục tiêu chính của anh là các sĩ quan cấp cao của Đức.
Những tay súng bắn tỉa của Hồng quân gây thương vong to lớn cho quân phát xít. Riêng cái tên Zaitsev trở thành nỗi ám ảnh của giới sĩ quan. Trước tình hình đó, Sở chỉ huy Đức phái thiếu tá Erwin König (Ed Harris) - xạ thủ bắn tỉa nổi tiếng - tới Stalingrad để đối phó với lính bắn tỉa của đối phương và cổ vũ tinh thần quân lính. Ngay khi tới nơi, Erwin gặp tướng Friedrich Paulus - chỉ huy tập đoàn quân dã chiến số 6 - để thảo luận tình hình. Erwin hứa sẽ tiêu diệt Zaitsev trước Giáng sinh. Viên thiếu tá tiết lộ rằng anh ta sẽ gài bẫy để Zaitsev lộ diện trước.
Khi biết quân Đức phái xạ thủ nổi tiếng tới để tiêu diệt Zaitsev, Bộ tư lệnh Hồng quân ra lệnh cho một xạ thủ tên Koulikov hỗ trợ anh trong cuộc so tài với Erwin. Koulikov từng là học trò của Erwin trước khi chiến tranh nổ ra nên anh hiểu rõ những thủ thuật của thầy cũ. Để khích lệ tinh thần của Zaitsev, nguyên soái Khrushchev công khai tuyên dương công trạng của anh trong một cuộc gặp với các cơ quan báo chí.
Dưới sự yểm trợ của Koulikov và một lính bắn tỉa nữa, Zaitsev thận trọng tìm kiếm Erwin trong từng ngôi nhà, trên từng đống đổ nát. Nhưng không chỉ bắn giỏi, Erwin còn rất thông minh và thừa kinh nghiệm trong việc đánh lừa đối phương. Anh ta đã hạ Koulikov bằng một phát bắn mà Zaitsev thừa nhận là \"không tưởng\". Một điệp viên của Nga đang hoạt động trong hàng ngũ quân Đức được lệnh đánh lừa Erwin để Zaitsev có thể đối đầu trực tiếp với xạ thủ người Đức. Trong trận đối đầu cuối cùng, Zaitsev gặp lại Tanya và chính cô đã cứu anh thoát chết ...
Vassili Zaitsev là nhân vật có thật trong lịch sử. Trong cuộc chiến Stalingrad, với vai trò là lính bắn tỉa, anh đã tiêu diệt được 257 sĩ quan Đức. Khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, thành tích của anh được đưa lên báo để cổ vũ tinh thần binh lính. Sau khi cuộc chiến kết thúc, anh được phong anh hùng quân đội và được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công.
Bộ phim được đặt tên theo cuốn tiểu thuyết Enemy at the Gate: The Battle for Stalingrad (1973) của nhà văn William Craig, người đã dày công tìm hiểu về cuộc đời của người anh hùng Vasily Zaitsev. Phần lớn nhân vật trong phim được xây dựng dựa trên những con người có thật.
Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Zaitsev và Erwin chỉ là hư cấu. Theo một số công trình nghiên cứu hiện đại, không có tư liệu nào cho thấy một trận đọ súng như vậy từng diễn ra. Tuy nhiên, binh lính Nga tại Stalingrad hồi đó kể cho nhau nghe về cuộc đối đầu giữa Zaitsev và đại tá Heinz Thorvald - xạ thủ nổi tiếng nhất của quân Đức lúc bấy giờ. Sau khi Heinz Thorvald bị bắn hạ, Bộ chỉ huy quân Đức tuyên bố người chết tên là Erwin König, một thiếu tá, chứ không phải xạ thủ Heinz Thorvald huyền thoại. Họ làm như vậy để tránh gây dao động tư tưởng của binh lính.
Trong phim, Zaitsev và Tanya lấy nhau sau khi cuộc chiến Stalingrad kết thúc, nhưng thực tế không phải như vậy. Khi cuộc chiến kết thúc, cả hai đều nhận được tin người kia đã chết. Mãi tới nhiều năm sau đó Tanya mới biết rằng Zaitsev vẫn còn sống, nhưng lúc đó anh đã kết hôn.
5. Tinh cầu
Tinh cầu, tên tác phẩm, đồng thời cũng là mật danh của đội trinh sát đặc nhiệm thuộc một sư đoàn Hồng quân. Họ là những chiến sĩ tinh nhuệ, dạn dày lửa đạn, tuy cá tính rất khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở lí tưởng và mục đích chiến đấu cao cả: vì Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh. Nổi bật lên trong số những người lính Nga dũng cảm, bình dị ấy là hình tượng đội trưởng – trung úy Trapkin. Trong đơn vị, anh là một con người điềm tĩnh, ít nói, sống chan hòa với đồng đội; trong chiến đấu, anh là người chỉ huy mưu trí, quả cảm, luôn dẫn dắt đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ dành được sự tín nhiệm tuyệt đối của các cấp chỉ huy và anh em trong đơn vị, Trapkin còn chiếm được tình yêu nồng thắm của cô hiệu thính viên xinh đẹp Cachia.
Cảm hứng lãng mạn của tác phẩm càng được tô đậm khi Trapkin và đội trinh sát nhận lệnh luồn sâu vào vùng địch hậu. Nhiệm vụ của họ thật nguy hiểm, nặng nề: phải xác định chính xác toạ độ tập kết bí mật của sư đoàn phát xít Vikinh, giúp bộ tư lệnh mặt trận có kế hoạch tiêu diệt chúng ngay tại căn cứ.
Từ đây, đội trinh sát phải sống cách biệt với tập thể sư đoàn, từng giờ từng phút cận kề cái chết; từ đây, họ chỉ còn mối liên lạc duy nhất với sư đoàn thông qua điện đài của Cachia. Với tinh thần hi sinh quên mình vì nhiệm vụ, các nhân vật trong Ngôi sao đã vươn tới một vẻ đẹp lí tưởng, sánh ngang những gì cao cả nhất của thiên nhiên vĩnh hằng: “Như chim rừng, họ không còn tên nữa. Họ hoàn toàn có thể từ bỏ tiếng nói của loài người để chỉ dùng tiếng chim làm tín hiệu liên lạc với nhau. Họ hoà tan vào đồng ruộng, rừng rậm, thung lũng, trở thành thần linh của những khoảng không gian đó – một thần linh đáng sợ, luôn rình mò, và trong chiều sâu thẳm của bộ óc chỉ có một ý nghĩ: nhiệm vụ của mình”.
Trong vùng địch hậu, các chiến sĩ trinh sát đã phải đối mặt với muôn vàn thử thách khó khăn. Luồn sâu, tránh địch, chạm địch, chiến đấu, rồi lại chiến đấu, chạm địch, tránh địch, luồn sâu… Có lần, đội trinh sát tưởng như đã hoàn thành nhiệm vụ khi họ phát hiện được một khu tập kết pháo binh, xe tăng của quân giặc và thông báo toạ độ cho máy bay ta ào đến ném bom. Nhờ linh cảm kì diệu và tinh thần trách nhiệm cao độ, Trapkin đã bò vào tận nơi để kiểm tra kết quả, khi đó cả đội mới biết đấy chỉ là trận địa giả mà bọn phát xít bày ra làm kế nghi binh.
Những cuộc chạm súng vẫn tiếp diễn, nhiều chiến sĩ trong đội lần lượt hi sinh, rồi điện đài bị hỏng … Trong hoàn cảnh khó khăn cực điểm, toàn đội trinh sát vẫn không một ai ngã lòng. Bằng ý chí kiên cường, hành động táo bạo và nghị lực vô song, họ vẫn luồn rừng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Khi phát hiện được căn cứ tập kết thực của sư đoàn Vikinh, đội trinh sát chỉ còn lại ba người. Cố thủ trong ngôi nhà gỗ ven rừng, giữa vòng vây dày đặc của quân phát xít, các chiến sĩ vừa nổ súng quyết liệt, vừa cố gắng tìm cách sửa chữa điện đài. Hơn ai hết, Trapkin hiểu rằng bộ tư lệnh mặt trận, và cả Cachia nữa, đang mong chờ tín hiệu của anh từng phút, từng giây…
Giờ sinh tử đã điểm, các chiến sĩ đang bắn những viên đạn cuối cùng. Đột nhiên, chiếc điện đài hoạt động. Và trong khoảnh khắc bi tráng ấy, “Ngôi sao” Trapkin đã kịp thông báo về “Trái đất”- mật danh của sư đoàn – những tin tức cần thiết nhất, ngay trước khi ngôi nhà gỗ bốc cháy rừng rực và sụp đổ tan tành …
Ngôi sao quả cảm đã tắt trong không gian, thế nhưng ở bên kia lửa khói, Cachia vẫn kiên cường chờ đợi. Cô vẫn gọi mãi vào điện đài mật hiệu Ngôi sao thân yêu, đôi mắt mở to của cô vẫn tràn đầy hi vọng. Thời gian trôi đi,“không ai còn chờ đợi nữa, nhưng cô vẫn chờ. Và khi cuộc tấn công chưa bắt đầu, không ai dám đến mang điện đài đi”.
Ngôi sao là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học Xô viết viết về chiến tranh.
Tin học văn phòng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét